Vĩnh Phúc Mạnh Tay Sử Lý, Thu Hồi Các Dự Án Chậm Tiến Độ

Nhằm xây dựng và phát triển hoàn thiện hệ thống đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo đồng bộ, hài hòa với nông thôn, có cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo mô hình quy hoạch xây dựng vùng tỉnh “nhất thể hóa đô thị – nông thôn”, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển đô thị, nhà ở. Nhờ đó, sau 22 năm tái lập tỉnh, nhất là sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc dần hoàn chỉnh.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, với diện tích trên 2.708ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, toàn tỉnh có đến 44/73 dự án đô thị, nhà ở đang triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% cả về quy mô, tiến độ theo chấp thuận đầu tư. Đặc biệt, trong số 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư gồm: Dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu…

Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ là do nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ những năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng; nhiều vị trí trong phạm vi dự án có một số tổ chức, cá nhân đã xây dựng công trình kiên cố lấn chiếm, không phép. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nhà ở, đô thị, đầu tư, đất đai, đấu thầu…chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thường xuyên thay đổi. Trong giai đoạn 2011-2013, kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng làm một số chủ đầu tư thua lỗ, không đủ năng lực tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản. Ngoài ra, còn do công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chưa kiên quyết, thường xuyên. Các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo thiết kế, quy hoạch.

Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung hoàn thành quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, trong đó, xác định rõ lộ trình ưu tiên đầu tư xây dựng trung và dài hạn, tạo bước đột phá về xây dựng hạ tầng khung đô thị. Tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án phát triển đô thị tại các khu vực lõi đô thị Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Tam Dương. Các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình phê duyệt, công bố hồ sơ các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; rà soát các dự án đô thị, nhà ở xin đầu tư mới.

Riêng đối với các dự án hết hạn đầu tư, chậm tiến độ, UBND có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục xin phép gia hạn đầu tư dự án trong quý III/2019 và có cam kết rõ ràng các mốc thời gian thực hiện dự án. Trong trường hợp các chủ đầu tư vi phạm cam kết sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 139 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và sẽ thông báo dự án không đảm bảo điều kiện giao dịch bất động sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện thủ tục cấp và chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất danh sách các chủ đầu tư không giao đầu tư tại các dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện thu hồi đối với 2 dự án gồm: Dự án khu đô thị mới Núi Bầu – khu vực 2, diện tích 29,3ha, tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình và dự án khu nhà ở Hoàng Vương, diện tích 14,42ha, tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên do Công ty cổ phần đầu tư số 1 làm chủ đầu tư.

Không chỉ “mạnh tay” thu hồi đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở chậm tiến độ, được biết, từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã thực hiện thu hồi một số dự án lớn liên quan đến phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tạo niềm tin và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

Cụ thể, đầu tháng 3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 724 về việc thu hồi hơn 4 triệu m2 đất do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo không còn nhu cầu sử dụng và đã bàn giao lại cho các địa phương: Gia Khánh, Trung Mỹ, Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Minh Quang, Hợp Châu, huyện Tam Đảo và Kim Long, huyện Tam Dương quản lý theo quy định.

Ngày 27/6/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1561 về việc bãi bỏ Quyết định số 2420 ngày 6/9/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng, Vĩnh Tường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Tiếp đó, ngày 2/7/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1610 về bãi bỏ Quyết định số 1223 ngày 5/5/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương II (Khu B) cũng do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Hai dự án này có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu công nghiệp Chấn Hưng có tiền thân là Cụm công nghiệp Chấn Hưng, được UBND tỉnh ra chủ trương từ năm 2002, có quy mô 129,75 ha, tổng vốn đầu tư 1.378 tỷ đồng. Trải qua 17 năm và sau 3 lần thay đổi chủ đầu tư là các đơn vị: Công ty TNHH Tây Hồ Vĩnh Phúc, Tổng công ty Thủy Tinh và Gốm xây dựng (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty Viglacera – Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam, ngày 6/9/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2420 giao Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư dự án nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Dự án khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) có tổng mức đầu tư 2.310 tỷ đồng. Đây là một trong 18 khu khu công nghiệp của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Dự án này có quy mô 185,6ha, nằm trên địa bàn hai huyện Tam Dương và Tam Đảo.

Theo thông tin từ UBND tỉnh, Dự án khu công nghiệp Chấn Hưng và dự án khu công nghiệp Tam Dương II (Khu B) chưa chậm tiến độ và chưa hết thời hạn theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp nhưng hạ tầng cơ bản của 2 khu công nghiệp này vẫn chưa được triển khai và đều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án và nhiều năm qua, cử tri và nhân dân các huyện bị mất đất cho hai khu công nghiệp nói trên đã nhiều lần kiến nghị thu hồi lại giấy chứng nhận đầu tư để người dân yên tâm sản xuất.

Cương quyết thu hồi đất, xử lý đối với các công trình, dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 154, giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc cụ thể với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ nhằm nắm rõ các nguyên nhân chậm tiến độ để có phương hướng xử lý phù hợp. Riêng đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát, đề xuất các phương án xử lý, khắc phục các tồn tại, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án hết hạn đầu tư, các dự án chậm tiến độ, các dự án được giao đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng theo chấp thuận đầu tư.

Theo Vĩnh Phúc GOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  0967993191