Ngành bất động sản trong năm 2022 được đặt trong một kịch bản tươi sáng hơn. Nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ đóng vai trò là đòn bẩy cho thị trường hồi phục và phát triển.
Thị trường bất động sản năm 2021 đã đi qua với nhiều gam màu tốt do những tác động xấu của đại dịch COVID-19. Các dự án phát triển phải ngừng hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư. Nguồn cung trên thị trường đã sụt giảm từ những năm trước lại tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và nhiều chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Kéo theo đó, giá bán căn hộ ở cả Hà Nội và TP HCM đều tăng bất chấp lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Trong khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng được xem là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Mặt bằng bán lẻ cũng duy trì sự ảm đạm từ năm 2020,…
Xong, xét về tổng quan, theo một số chuyên gia, thị trường vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn. Trong đó, giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5 – 9%, tùy địa bàn. Cùng với đó, giá bất động sản công nghiệp cũng tăng khoảng 3 – 18%, tùy từng địa phương. Bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở,… vẫn khả quan.
Đáng chú ý, nguồn vốn đổ vào bất động sản trong năm 2021 cơ bản vẫn tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản tính đến hết quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020 và cả năm tăng khoảng 7 – 8%, thấp hơn so với bình quân toàn ngành nhưng vẫn là mức rất tích cực.
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%),…
Năm 2022, ngành bất động sản xuất hiện nhiều chỉ báo lạc quan ở cả yếu tố vĩ mô và vi mô. Trong đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đưa ra 4 đòn bẩy cho thị trường.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô trong năm tới dự kiến tăng trưởng và phục hồi ở mức 6 – 6,5% và lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.
Thứ hai, việc thu hút đầu tư bao gồm cả đầu tư nhân và đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng.
Yếu tố thứ ba theo ông Lực đó là thể chế, môi trường pháp lý sẽ được Chính phủ và Quốc hội chú trọng hoàn thiện hơn trong thời gian tới và sẽ tạo ra những đột phá cũng như tháo gỡ những rào cản. Do đó, gần 2.000 dự án bấn động sản đang bị tồn đọng sẽ có cơ hội được tháo gỡ vướng mắc.
Cuối cùng là trong và sau dịch bệnh, bản thân các chủ đầu tư và người dân đã có những thay đổi về hành vi, lối sống và nhu cầu đầu tư.
“Đây chính là 4 cú huých và là nền tảng vô cùng quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh hơn và tốt hơn trong thời gian tới”, ông Lực nhận định.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đã bình tĩnh hơn để ứng phó với các diễn biến xấu của dịch bệnh. Tất cả đều có những nỗ lực và quyết tâm hơn để tăng tốc trong năm 2022.
Bà Hương chỉ ra ba yếu tố sẽ tác động đến bất động sản trong năm tới. Thứ nhất là các động thái kích hoạt nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thứ hai là việc tháo gỡ các nút thắt về pháp lý và việc đổi mới, sửa đổi các luật liên quan. Thứ ba là việc kiểm soát dịch bệnh.
“Hy vọng các giải pháp phòng chống dịch mang tính chủ động hơn để cho việc giãn cách không lặp lại và để các doanh nghiệp cũng có các kế hoạch phát triển đầu tư các dự án, tâm lý của các nhà đầu tư cũng có sự ổn định hơn khi tham gia vào thị trường”, bà Hương nói.