Bất động sản là lĩnh vực nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thành phần khác nhau trong xã hội. Cơ hội nghề nghiệp đối với nghề môi giới bất động sản rất rộng mở, phù hợp với nhiều đối tượng ở những trình độ, lĩnh vực khác nhau. Những bạn trẻ, sinh viên mới ra trường dễ dàng kiếm được công việc môi giới bất động sản để thực hiện giấc mơ tự do tài chính.
Tuy nhiên, để trụ được với nghề này là điều không đơn giản. Vậy làm thế nào để trở thành nhà môi giới bất động sản?
Nội dung chi tiết
Nhận thức đúng về nghề môi giới bất động sản
Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản (Luật kinh doanh bất động sản 2014). Trong tiếng Anh nhà môi giới bất động sản (Real Estate Consultant) là người tư vấn, tiếp thị, quảng cáo bất động sản đến những khách hàng có nhu cầu.
Nghề môi giới là nghề có từ khá lâu và phổ biến ở các thành phố lớn bởi nhu cầu thuê, mua nhà luôn rất lớn. Ở Việt Nam nghề môi giới vẫn thường được gọi với cái tên dân dã là “cò đất”. Từ cô bán cà phê ven đường đến anh chạy xe ôm, thậm chí cả những bạn trẻ đang học năm 1, năm 2 của một trường đại học nào đó đều có thể làm môi giới bất động sản.
Trước đây, nói đến nghề môi giới người ta thường nghĩ ngay đến những người làm tại các văn phòng nhà đất, trên các tuyến phố. Hiện nay, nghề môi giới bất động sản được tổ chức quy mô bài bản hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp chuyên về môi giới bất động sản có hàng nghìn nhân sự và nhiều công ty con, chi nhánh trên khắp cả nước, có những tập đoàn là chủ đầu tư nhưng cũng tổ chức đội ngũ bán hàng lên đến hàng nghìn người để bán các sản phẩm do chính công ty mình xây dựng lên.…
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300.000 người làm việc trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Đây là nghề mà rào cản gia nhập ngành rất thấp bởi các công ty tuyển dụng không đòi hỏi cao khi tuyển dụng như bằng cấp, kinh nghiệm… và số lượng tuyển dụng ở các công ty thường rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là nghề có tính đào thải rất cao. Tỷ lệ thành công của người tham gia trong ngành này thường chỉ khoảng 5%.
Nguyên nhân của hiện tượng này là nhân sự nghề môi giới không được đào tạo một cách bài bản nên thiếu các kiến thức cần thiết trong lĩnh vực này. Nhiều người đến với nghề môi giới bất động sản vì chỉ nhìn thấy “ánh hào quang” của nghề mà không lường hết được những khó khăn, vất vả phía sau. Một số người làm môi giới vì không xin được việc nào khác chứ chưa xác định được tính cách, mục tiêu cuộc sống có phù hợp với công việc môi giới hay không.
Thùy Trang, nhân viên môi giới tại một sàn giao dịch ở Hà Nội, cho biết mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành bất động sản của một trường đại học nhưng chị cũng rất chật vật khi đi làm. Suốt 3 tháng đầu khi bước chân vào nghề, Thùy Trang đã không bán được căn nhà nào. Việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng vô cùng cực nhọc. Nhiều lúc hàng trăm cuộc gọi điện và chạy hàng triệu đồng tiền quảng cáo trên mạng xã hội vẫn không có nổi một cuộc hẹn với khách.
Những người mới vào nghề như Thùy Trang phần lớn đều phải trải qua công việc như đi phát tờ rơi, dán tờ phướn khắp phố phường xung quanh khu vực dự án. Ngay cả khi khách hàng tiềm năng đã đặt lịch hẹn rồi còn bị hủy là chuyện thường. Thậm chí nhiều trường hợp giao dịch đã hoàn thành đến 90% rồi vẫn có rủi ro khách hàng hủy vì rất nhiều lý do hoặc là bị đồng nghiệp “luồn cò”.
Mặc dù vất vả, nhưng nghề môi giới rất hấp dẫn với nhiều người. “nghề môi giới bất động sản đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người thành công trong xã hội. Từ đó tôi cũng học hỏi được rất nhiều và trau dồi được kỹ năng, bản lĩnh của mình”, chị Linh chia sẻ.
Những kỹ năng cần thiết
Những trường hợp tương đối thành công như chị Linh không phải là số đông trong nghề môi giới bất động sản. Nhiều người đã phải bỏ cuộc khi mới chỉ một hai tháng gia nhập nghề. Một số người thì trụ không nổi 3 năm bởi đây là nghề khá vất vả, áp lực cao và thu nhập phụ thuộc vào biến động của thị trường.
Những người trong ngành cho biết, để thành công trong nghề này một cách lâu dài, các chuyên viên môi giới phải có tố chất nhất định và phải không ngừng học hỏi nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp.
Công việc cơ bản của nhân viên môi giới là tìm kiếm khách hàng tiềm năng và duy trì các mối quan hệ với khách hàng. Ngày nay, để có được khách hàng tiềm năng thì nhân viên môi giới phải biết các kỹ năng chạy quảng cáo trên mạng xã hội, xây dựng thương hiệu cá nhân và phải biết cách liên tục “kết nối” để mở rộng và duy trì quan hệ. Đặc biệt, họ phải có kỹ năng phân tích, đánh giá để nhận ra những khách hàng tiềm năng thực sự.
Ngoài ra, công việc này đòi hỏi phải hiểu sản phẩm và thị trường. Khi môi giới dự án thì họ phải nắm bắt được thông tin dự án, pháp lý dự án và tình hình chung thị trường. Khi môi giới nhà có sẵn thì họ phải hiểu thị trường, kiến trúc và phong thủy, xây dựng và tình hình dân cư trong khu vực… Đây là những thông tin quan trong mà khách hàng cần họ tư vấn.
Để hỗ trợ khách hàng giao dịch, kiến thức về pháp luật là thứ không thể thiếu. Nhân viên môi giới giỏi tư vấn được cho khách hàng những vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản, quy trình giao dịch ra sao và những nghĩa vụ thuế trong giao dịch…
Tất nhiên, những kiến thức đó không thể có được trong một sớm một chiều. Tất cả đều phải cần có thời gian để trau dồi, thực hành trải nghiệm và nâng tầm thành các kỹ năng xử lý trong công việc. Tại những công ty môi giới lớn, nhân viên môi giới mới được đào tạo một cách bài bản và họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đạo đức. Điều này giúp họ tiến xa hơn trong công việc.
Nhà môi giới bất động sản trong thời đại mới cần trau dồi những gì?
Ngày càng có nhiều người tham gia vào lĩnh vực bất động sản với tư cách là một nhà môi giới. Trong một thế giới rộng lớn như vậy, nếu muốn thành công với công việc môi giới, bạn cần trang bị những kỹ năng cần thiết.
1. Sẵn sàng tương tác
Một trong những điều mà các nhà môi giới cần ghi nhớ đó là khả năng tiếp cận được với khách hàng. Các cuộc gọi, tin nhắn hay email từ phía khách hàng phải được trả lời càng chính xác, càng sớm thì càng tốt. Nếu bạn để khách hàng chờ đợi quá lâu, có thể họ sẽ tìm đến những nhà môi giới khác.
2. Nhanh nhạy xử lý các vấn đề
Một nhà môi giới giỏi là người có khả năng nhanh nhạy trong việc xử lý các vấn đề. Ví dụ, bạn có thể gửi cho khách hàng các danh sách tài sản thay thế tiềm năng khi họ không muốn chốt một căn nhà. Ngoài ra, nếu họ không thể tới tham quan tài sản trực tiếp, bạn có thể mời họ xem qua các ứng dụng xem video trực tuyến, đồng thời gửi hình ảnh, video và tóm tắt thông tin tới khách hàng.
3. Cung cấp kiến thức bất động sản tới khách hàng
Tất nhiên, một nhà môi giới giỏi phải là người nắm vững kiến thức bất động sản, ít nhất là về thị trường mà người đó đang hoạt động. Muốn trở nên chuyên nghiệp, các nhà môi giới không những cần trau dồi kiến thức cho bản thân mà còn cần truyền đạt lại kiến thức, thông tin về thị trường cho khách hàng, đặt biệt với những người chưa có nhiều kinh nghiệm mua bán để họ có thể lập ngân sách phù hợp và đặt ra mức kỳ vọng thu lợi nhuận hợp lý.
4. Giúp khách hàng vay thế chấp
Không phải tất cả mọi khách hàng đều có sẵn tiền mặt để tham gia giao dịch bất động sản. Mỗi người có một tình trạng tài chính khác nhau, nhưng với những người có đủ khả năng vay thế chấp, họ thường sẽ lựa chọn hình thức này để tham gia đầu tư bất động sản. Dù vậy, các công đoạn vay thế chấp cũng tương đối rắc rối. Lúc đó, một nhà môi giới nhanh nhạy sẽ là người chủ động giúp khách hàng giải quyết việc vay thế chấp.
5. Xây dựng kế hoạch marketing
Cho dù bạn hoạt động độc lập hay hoạt động theo nhóm, việc xây dựng kế hoạch marketing là điều bắt buộc cần làm nếu muốn trở thành một nhà môi giới thành công. Ngày nay, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà môi giới bất động sản đang hoạt động trên thị trường. Do đó, nếu bạn không có một chiến lược marketing hiệu quả, tạo ra sự khác biệt, bạn sẽ trở nên bão hòa trên thị trường rộng lớn.
6. Quản lý quá trình kiểm tra tài sản
Ngoài những kỹ năng liên quan đến nghề môi giới, bạn cần có năng lực trong việc thẩm định tài sản. Trước khi giúp khách hàng mua nhà, bạn sẽ chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị kiểm tra và thẩm định tài sản. Công việc môi giới đòi hỏi những người thực sự có tâm, vì vậy công đoạn này yêu cầu bạn phải là người có trách nhiệm để đảm bảo sự uy tín với khách hàng. Ngược lại, nếu vì lợi nhuận mà bỏ qua quá trình kiểm tra, thẩm định tài sản, sự uy tín của bạn có thể sẽ mất đi trong tương lai.
7. Chốt giao dịch
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi làm môi giới bất động sản chính là chốt giao dịch. Bạn có thể là một người có nhiều khách hàng tiềm năng, dẫn được nhiều người đi tham quan tài sản, có chiến lược marketing độc đáo,… nhưng nếu không thể chốt giao dịch thì bạn vẫn sẽ không thu được lợi nhuận. Đôi khi việc chốt giao dịch cần sự mềm mỏng, nhưng có những lúc đòi hỏi sự dứt khoát. Chính vì vậy, rèn luyện kỹ năng chốt giao dịch chính là cách giúp bạn kiếm ra tiền từ nghề môi giới.
8. Kết nối khách hàng với những bên liên quan
Ngoài việc kết nối khách hàng với người bán/chủ đầu tư, một nhà môi giới nhanh nhạy cần là người trực tiếp giúp khách hàng kết nối với những bên liên quan khác. Chẳng hạn như khi giúp khách hàng chốt mua nhà/chung cư thành công và khách hàng của bạn muốn tìm những đơn vị bán đồ nội thất uy tín, chất lượng trong khu vực, bạn nên chủ động tìm hiểu để giúp đỡ họ trong công đoạn tìm kiếm. Từ đó, chính khách hàng có thể là người giúp lan truyền danh tiếng của bạn đi xa hơn.